Nguyệt San Số 5


Khối tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương và
làng kháng chiến An Định

Tác giả: Trường T hi
Thể loại Sưu khảo

       Làng An Định thuộc quận Tri Tôn, tỉnh Châu Đốc, một quận miền núi với dân cư thưa thớt chiếm tỷ lệ rất khiêm nhường so với dân số toàn tỉnh. Hầu hết dân cư trong vùng đều là dân tộc Khmer; họ sống rải rác trong những ngọn núi của vùng Thất Sơn linh địa. Những cây thốt lốt cao khẳng khiu, những rừng xu bạt ngàn bao bọc lấy "phum, sóc" là tiêu biểu cho nếp sống hiền hòa của người dân miền núi. Dọc theo liên tỉnh lộ 91, những di tích diệu kỳ thời khai đạo Bửu Sơn vẫn còn tiềm ẩn đó đây từ chợ Nhà Bàng (Thới Sơn) đến chùa Tam Bửu (Ba Chúc), từ Văn Giáo, Vĩnh Trung, Tú Tề đến An Hảo, dù trải qua hơn một thế kỷ nhưng những hình ảnh của thời cực thịnh Bửu Sơn Kỳ Hương vẫn còn phảng phất đâu đây.
       Rời tỉnh lý Châu Đốc, theo liên tỉnh lộ 91 chừng 17 km đến ngã ba Nhà Bàng, quẹo phải khoảng 5 km đến quận lỵ Tịnh Biên nơi mà dòng kinh Vĩnh Tế chảy qua còn in đậm những di tích diệu kỳ của Sư Vải Bán Khoai, của ông Đạo Lập suốt chặng đường từ Lạc Quới, Vĩnh Gia, Vĩnh Điều... Rẽ trái qua những dãy núi điệp trùng Anh Vũ Sơn, Thiên Cấn Sơn, Phú Cường, Nam Vi đến quân trấn Chi Lăng có một trong những trung tâm huấn luyện đứng nhứt nhì của thời Đệ Nhị Cộng Hoà; rẽ phải dọc theo triền núi gập ghềnh với những địa danh lạ tai Tà Nghịch, Sóc Tréc, Núi Tượng chúng ta đã đến làng An Định một căn cứ chống Pháp của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương vào cuối thế kỷ 19. Dù trải qua lắm nỗi thăng trầm của đất nước nhưng những hình ảnh kiêu hùng ngày nào vẫn còn phảng phất đâu đây và Đức Bổn Sư Ngô Lợi vị lãnh tụ phong trào kháng chiến vẫn bất diệt trong tim người dân Thất Sơn.
       Đức Bổn Sư sanh năm nào mãi cho đến bây giờ vẫn chưa có một văn kiện nào chính thức xác nhận, kể cả những tư liệu PGHH; người ta chỉ biết biết Ngài sanh trưởng tại Mộc Bài thuộc quân Tịnh Biên, một nơi giáp biên thùy Việt - Campuchia và mất vào năm 1909. Cũng như Đức Phật Thầy Tây An và các vị siêu phàm xuống thế độ đời, Ngài tự nhiên tỏ ngộ, hiểu thấu lẽ diệu huyền, không học mà thông và có rất nhiều pháp thuật.

Bửu Sơn tự

       Sau khi chu du khắp nơi, gót chân Ngài đã trải dài từ Định Tường đến Hà Tiên và in đậm nơi Thất Sơn hùng vĩ, Ngài trở về núi Tượng, mở rộng chùa chiền, quy tụ dân cư và lập nên Tông phái Hiếu Nghĩa (một rong những chi phái của Bửu Sơn Kỳ Hương: Tứ Ân - Hiếu Nghĩa). Chính tại nơi đây đã trở thành một căn cứ kháng chiến có tầm vóc vào cuối thế kỷ 19.
       Có thể nói sau khi tổ chức Binh Gia Nghị của Đức Cố Quản tan rã, một số nhân vật Bửu Sơn Kỳ Hương vẫn tiếp tục gầy dựng phong trào nghĩa binh nông dân chống Pháp từ Định Tường trải dài đến Châu Đốc, các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương như: Nguyễn văn Vi, Nguyễn văn Hay, Nguyễn Kế Trung điển hình trong giai đoạn này. Đặc biệt tại Châu Đốc, cuộc kháng chiến chống Pháp do Đức Bổn Sư Ngô Lợi lãnh đạo với sự tham gia đông đảo của khối tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương.
Vẫn nằm trong khuynh hướng tín ngưỡng lãnh đạo tinh thần, Đức Bổn Sư đã nhiều lần vận động các nhà sư tụ họp dưới hình thức bề ngoài là sinh hoạt tôn giáo nhưng chính là để tạo thế quần chúng chống Pháp.
       Để tránh sự truy lùng của Pháp và phát triển thực lực, Đức Bổn Sư lấy một sáng kiến hết sức độc đáo là thiết lập một căn cứ an toàn tại làng An Định dưới chân ngọn núi Tượng (Liên Hoa Sơn) một trong những hình thức lập trại ruộng của Bửu Sơn Kỳ Hương. Chiến thuật khéo léo này nhằm tạo ra một khu làng có xin phép chính quyền đàng hoàng, dân làng sinh hoạt ruộng rẫy và khai phá đất đai để sản xuất một cách bình thường, làm cho viên chủ tỉnh thời bấy giờ rất hài lòng và cấp giấy phép công nhận về phương diện hành chánh của làng An Định. Tuy nhiên thực chất bên trong, tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đã bí mật tổ chức thành một cứ điểm kháng chiến, nuôi dưỡng các chiến sĩ kháng Pháp và tích trữ lương thực, võ khí để chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa. Với một làng khang trang, lúc ban đầu trên 100 ngôi nhà, dân chúng rất sung túc cởi mở, đóng thuế đầy đủ đã không tạo được mối nghi ngờ nào của chính quyền đương cuộc.
       Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến của nghĩa binh Bửu Sơn Kỳ Hương vào các ngày 16/02 và 30/4 năm 1878 Đức Bổn Sư đã triệu tập các vị tướng sĩ chỉ huy và hoạch định cuộc tổng khởi nghĩa. Trần Bá Lộc một tay sai đắc lực của Pháp đã tìm mọi cách truy lùng Đức Bổ Sư kể cả gài gián điệp vào hàng ngũ Bửu Sơn Kỳ Hương nhưng vẫn không sao bắt được vị lãnh tụ kháng chiến vì nhờ các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương cảnh giác và bao che. Làng An Định mỗi ngày một trù phú. Hằng ngày các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương là những nông dân lam lũ đổ mồ hôi xuống luống cày, trên nương rẫy tạo cuộc sống ngày một khá giả. Mặc dù luôn bị mật thám Pháp theo dõi nhưng Đức Bổ Sư đã khéo léo điều động nghĩa binh âm thầm tổ chức thành đội ngũ chuẩn bị một lực lượng hùng hậu. Ban đêm dưới ánh trăng, từng lớp trai làng tập luyện võ nghệ dưới chân núi Tượng. Khí thiêng hùng vĩ của vùng Thất Sơn đã từng bước hun đúc nghĩa binh thêm hùng tráng. Mặt khác sự ngoại giao khôn khéo, Ngài đã kết hợp được kháng chiến quân Cao Miên thời đó là hoàng thân Achar Sor và Si Vatha. Nhờ sự liên kết này nghĩa binh ngày thêm sức mạnh.
        Vào tháng 5/1887 liên quân Việt Miên chuẩn bị tấn công vào Tịnh Biên và một số cứ điểm quân sự Pháp dọc biên giới. Bất thần quân Pháp đã huy động một lực lượng lớn từ Châu Đốc tấn công vào làng An Định ngày 13 đến 29/5/1887. Tất cả chùa chiền bị đốt sạch, nhà cửa bị thiêu hủy, ruộng rẫy bị tàn phá và chúng bắt đi 1990 gồm nam, phụ, lão, ấu của 407 gia đình gốc dân của 13 tỉnh khác nhau: Sa Đéc, Bến Tre, Saigon - Gia Định, Tân An, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Gò Công, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hà Tiên và Châu Đốc. Từ đó làng An Định bị xóa sổ, bộ máy hành chánh được sáp nhập vào xã Ba Chúc cho đến nay. Tuy cuộc khởi nghĩa chỉ nhen nhúm rồi bị sức mạnh của kẻ thù dập tắt song những tấm lòng trung kiên của người dân luôn thể hiện ở mức cao độ, là một tín đồ thuần hành Bửu Sơn Kỳ Hương họ còn là chiến sĩ và luôn tâm niệm.
"Tăng sĩ quyết chùa am bế cửa,
Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha.
Đền xong nợ nước thù nhà,
Thiền môn trở gót Phật đà Nam Mô."
       Một đặc điểm khác của Bửu Sơn Kỳ Hương là phát dương tinh thần ái quốc và nhiệt tình tranh đấu trong quần chúng qua thuyết Tứ Ân. Có lẽ tiên đoán được đại nạn sắp đến cho đất nước nên Đức Phật Thầy Tây An đặc biệt truyền bá tư tưởng yêu nước, chuẩn bị tâm lý quần chúng ứng phó với thời kỳ mất nước sắp xảy ra. Thật vậy khi giặc Pháp chiếm miền Nam, các vị kế truyền và các đại đệ tử của Phật Thầy đã trở thành những lãnh tụ kháng chiến rất oanh liệt và kiên cường trong đó có Đíc Cố Quản Trần văn Thành và Đức Bổn Sư Ngô Lợi.
       Trải qua bao cuộc bể dâu, đất nước đã bao lần nghiêng ngữa song giáo lý Tứ Ân vẫn rạng ngời đối với những tín đồ thuần hành Bửu Sơn Kỳ Hương (Phật Giáo Hòa Hảo sau này). Núi Tượng đã chứng kiến biết bao cảnh tang thương, người dân Thất Sơn đã bao lần chạy loạn song những di tích diệu kỳ vẫn sừng sững bất diệt với thời gian. Hiện nay trên đà phát triển dân số cùng với cơ cấu hành chánh mới, một số tên xã đã biến mất trên bản đồ như Tú Tề, Ô Lâm, An Hảo... thêm vào đó những tên mới như núi Tô, Châu Lang, Tân Lợi, Tân Lập... nhưng địa danh An Định vẫn luôn luôn sống mãi trong trái tim người tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương và tông phái Hiếu Nghĩa vẫn chiếm vị thế độc đáo dưới chân núi Tượng. Hằng năm hàng chục ngàn du khách về đây lễ bái; về đây để chiêm ngưỡng những diệu kỳ luôn bất diệt với thời gian và dãy Thất Sơn hùng vĩ vẫn mang nhiều huyền bí tiềm ẩn mà cho tới nay khoa học vẫn chưa chứng minh được. Xã Ba Chúc vẫn mang dư âm của làng An Định thuở nào cách đây hơn một thể kỷ.
           Trường Thi
(Trích Giang Sơn Biên Trấn)
Tài liệu tham khảo
- Những tư liệu có liên quan đến PGHH
- Cơ cấu tổ chức hành chánh tỉnh Châu Đốc